18/8/2023
Năm 2000, EU đã ban hành Chỉ thị Khung về nước (WFD) cung cấp một khung khổ nêu rõ các phương pháp/định hướng tiếp cận, mục tiêu, nguyên tắc và biện pháp cơ bản chung để quản lý tài nguyên nước ở các quốc gia trong Liên minh. Hiện tại, có ba mô hình tổ chức quản lý nước ở châu Âu, bao gồm: (i) Mô hình thủy văn: các chính sách và thẩm quyền quản lý tài nguyên nước được dựa trên các lưu vực sông; (ii) Mô hình hành chính: các chính sách và quản lý dựa trên địa giới hành chính khu vực; (iii) Mô hình kết hợp: cách thức quản lý được kết hợp cả hai mô hình hành chính và mô hình thủy văn. Hệ thống của Anh và Pháp có đặc điểm của mô hình thủy văn, hệ thống của Đức có đặc điểm của mô hình hành chính và hệ thống của Hà Lan có tính chất phối hợp cả 2 loại mô hình hành chính và lưu vực.
Nước Anh đã xây dựng chính sách quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo các lưu vực sông. Cơ quan Môi trường (EA) là cơ quan hành chính Trung ương, chịu trách nhiệm lập kế hoạch sử dụng tài nguyên nước dài hạn và nghĩa vụ bảo tồn, tăng cường, phân phối và đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên nước ở Anh và xứ Wales. EA có các văn phòng ở cấp quốc gia và khu vực. EA có văn phòng khu vực tương ứng với tám lưu vực sông lớn ở Anh và xứ Wales.
Còn tại Pháp, trách nhiệm quản lý tài nguyên nước được phân chia cho một số cơ quan như: Bộ Môi trường Pháp chịu trách nhiệm ở cấp quốc gia về bảo vệ, quản lý và nâng cấp môi trường thủy sinh; hệ thống sông ngòi và chất lượng nước. Bộ Môi trường lập chương trình và điều phối sự can thiệp của Nhà nước trong các lĩnh vực liên quan. Ủy ban Nước quốc gia đóng một vai trò quan trọng trong chính sách nước quốc gia và dự thảo các văn bản lập pháp và hành pháp. Ủy ban do một Nghị sĩ làm Chủ tịch và bao gồm các đại diện của Quốc hội, Thượng viện và liên đoàn quốc gia. Cơ quan quản lý nước tại các lưu vực thủy văn. Pháp chia ra sáu lưu vực chính và mỗi lưu vực cũng có một Ủy ban lưu vực quản lý trực tiếp. Cơ quan Nước hoạt động như một cơ quan điều hành để quản lý tài nguyên nước, trong khi Ủy ban nước hoạt động như một “Nghị viện về vấn đề nước”. Cả hai tổ chức này đều tham gia vào việc chuẩn bị Kế hoạch tổng thể quản lý và phát triển tài nguyên nước (SDAGE ) và được giám sát bởi Bộ Môi trường.